Trực ca buồng lái
Thầy Tiếu Văn Kinh một người thầy luôn tâm huyết chia sẻ những kinh nghiệm đi biển một phần công sức đưa ngành hàng hải Việt Nam ngày một đi lên. Chúng tôi xin mạn phép được chia sẻ bài viết của thầy trong mục tài liệu hàng hải để các sỹ quan thuyền viên có thể tham khảo.
Cần thiết nhắc lại điều này cho các sĩ quan boong trực ca trên buồng lái. Mong các bạn tham khảo và áp dụng cho bản thân cũng như chia sẻ trao đổi với đội ngũ thuyền viên cùng ngành những kinh nghiệm hữu ích.
ĐIỀU 17 COLREGS LÀ MỘT TRONG NHỮNG ĐIỀU DỄ HIỂU NHƯNG KHÔNG DỄ HÀNH ĐỘNG.
"HÀNH ĐỘNG NGOẠI LỆ KHÔNG THEO QUY TẮC"
Thuyền trưởng Tiếu Văn Kinh
Hai tàu chạy trên biển có khả năng dẫn tới đâm va, trong đó tàu của bạn là tàu được nhường đường phải giữ nguyên hướng và tốc độ, nhưng tàu kia là tàu phải nhường đường đã không hành động phù hợp theo yêu cầu của Quy tắc. Vậy trong trường hợp này, theo quy tắc, thì tàu của bạn có được hành động không và phải hành động thế nào để tránh đâm va giữa hai tàu ? Nếu bạn hành động như vậy có phạm quy tắc không ?
Đầu tiên xin trích dẫn Điều 17 của Colregs quy định hành động của tàu thuyền được nhường đường như sau:
“a.
i. Khi một tàu thuyền được một tàu thuyền khác nhường đường cho mình, phải giữ nguyên hướng đi và tốc độ;
ii. Tuy nhiên khi xét thấy tàu thuyền phải nhường đường đã không hành động phù hợp với yêu cầu của quy tắc này, thì tàu thuyền được nhường đường có thể tự mình điều động để tránh đâm va.
b. Vì một lý do nào đó, khi tàu thuyền có trách nhiệm giữ nguyên hướng đi và tốc độ nhận thấy đang ở rất gần tàu thuyền kia và không thể tránh khỏi nguy cơ đâm va nếu chỉ dựa vào sự điều động của tàu thuyền kia, thì tàu thuyền được nhường đường cũng phải có biện pháp tốt nhất để điều động tàu mình tránh sự đâm va.
c. Một tàu thuyền máy đang điều động để tránh va với một tàu thuyền máy khác đang cắt hướng đi của mình như đã nêu ở khoản (a)(ii) của Điều này, nếu hoàn cảnh cho phép, không được đổi hướng đi về phía bên trái nếu tàu thuyền kia đang ở bên mạn trái của mình.
d. Điều khoản này không miễn trừ trách nhiệm cho tàu thuyền có nhiệm vụ nhường đường cho tàu thuyền khác “.
Điều 17 như trích dẫn ở trên thì ai đọc cũng hiểu, nhưng vấn đề là phải hành động như thế nào ?
Khi giải thích và tuân thủ quy định (a.) (i.) và (ii.) của Điều 17 trong Quy tắc tránh va cần xem xét một cách thỏa đáng để hành động phù hợp trong trường hợp sau:
Để tránh một nguy cơ đâm va cận kề khẩn cấp, hoặc bất kỳ một tình huống đặc biệt nào đó do tàu thuyền kia không hành động phù hợp với quy tắc, thì bạn buộc phải hành động và được coi đó là “hành động ngoại lệ, không theo quy tắc” (chú ý câu này đã được bỏ vào dấu ngoặc kép).
Cần lưu ý, nếu hoàn cảnh cho phép, trong trường hợp này tàu được nhường đường không được đổi hướng đi về phía bên trái nếu tàu thuyền kia đang ở bên mạn trái của mình.
Quy tắc này không được áp dụng trong điều kiện tầm nhìn xa hạn chế khi các tàu không nằm trong tầm nhìn thấy nhau bằng mắt thưởng, sự có mặt của tàu khác và vị trí của nó chỉ xác định bằng rađa.
Nên nhớ rằng khi bạn không hiểu ý định của tàu kia và nghi ngờ liệu họ có biện pháp để tránh va chạm hay không thì bạn phải tức khắc biểu thị sự nghi ngờ bằng cách phát ít nhất 5 tiếng còi ngắn và nhanh đồng thời bổ sung tín hiệu đèn 5 chớp nhanh liên tục để cảnh báo tàu kia. (theo Điều 34 (d) trước khi bạn hành động.
Tuy nhiên, các sĩ quan trực ca không được ngộ nhận “hành động ngoại lệ, không theo quy tắc”.là thể hiện sự linh hoạt của Quy tắc tránh va, không hành động tùy tiện và cũng không được lợi dụng “ hành động ngoại lệ không theo quy tắc’ này để biện minh, giải thích cho sự vi phạm luật tránh va. Thực tế Quy tắc tránh va đưa ra những điều kiện rất nghiêm khắc, chặc chẽ cho “hành động ngoại lệ, không theo quy tắc”, đó là chỉ có trường hợp đặc biệt có NGUY CƠ KHẨN CẤP VÀ CẬN KỀ mới cho phép áp dụng hành động này.
Có một điều bất thường là bạn được nhường đường nhưng bạn lại bẻ lái đổi hướng. Nếu sau khi bạn hành động mà tránh khỏi đâm va thì hai tàu mạnh ai nấy đi, nhưng chẳng may bạn bẻ lái mà gây nên va chạm với tàu kía thì chắc chắn hai tàu sẽ cùng “ra vành móng ngựa”. Điều gì sẽ bảo vệ bạn, lý lẻ ở đâu?
Lời khuyên đối với các bạn sĩ quan trực ca là : Nói chung chỉ hội đủ ba điều kiện sau đây bạn mới có thể “hành động ngoại lệ, không theo quy tắc” và bạn sẽ được bảo vệ trước pháp luật cho hành động của mình.
1. Giữa hai tàu tồn tại thực tế nguy cơ đâm va, không phải phỏng đoán, hư cấu.
2. Nguy cơ là cận kề và khẩn cấp.
3. “Hành động ngoại lệ, không theo quy tắc” là hợp lý, chính đáng, chỉ khi không hành động như vậy sẽ bất lợi cho tránh va chạm hoặc va chạm chắc chắn xảy ra, có thể nghiêm trọng hơn. Nếu sĩ quan trực ca đối diện với nguy cơ đâm va đã vận dụng tay nghề thành thạo của người đi biển áp dụng giải pháp tốt nhất tránh va mà vẫn có khả năng xảy ra đâm va thì mới “hành động ngoại lệ không theo quy tắc”.
Để biện minh cho “hành động ngoại lệ không theo quy tắc” của mình là hợp lý, chính đáng thì điều đó phải được chứng minh. Nếu chứng minh được hành động của mình hội đủ ba yếu tố nói trên thì việc “hành động ngoại lệ không theo quy tắc” là hợp lý, không vi phạm Quy tắc tránh va, nếu không thì hành động đó sẽ vi phạm Quy tắc tránh va.
Nói chung, trong thực tiễn, sĩ quan hàng hải nên chấp hành đúng Quy tắc tránh va, cố gắng triệt bỏ nguy cơ đâm va trước khi dẫn tới tình huống khẩn cấp cận kề.
Có thể đưa ra vài ví dụ sau đây có thể dẫn tới “hành động ngoại lệ không theo quy tắc tránh va”.
. Hai tàu chạy đối hướng đi rất gần nhau, tàu kia bỗng nhiên quay đầu, áp dụng những hành động không rõ ý đồ làm phát sinh nguy cơ va chạm ngay cận kề ở phía trước.
. Hai tàu đi qua nhau, mỗi tàu đều bỏ tàu kia bên mạn phải của mình hoặc bên mạn trái, đáng lẽ hai tàu đi qua nhau một cách an toàn, nhưng một tàu đột nhiên bẻ lái cắt qua trước mũi tàu kia, nguy cơ va chạm rất khẩn cấp, cận kề.
. Tàu chạy trong tầm nhìn xa kém, khi hai tàu vừa nhìn thấy nhau thì khoảng cách giữa hai tàu đã quá gần, phát sinh khả năng hai tàu va chạm nhau.
. Trong luồng hẹp đáng lẽ mỗi tàu phải chạy về phía bờ mạn phải của mình, nhưng một tàu nào đó lại vi phạm luật và chạy phía bờ bên trái nhưng lại không trả lời thanh hiệu của tàu kia. Hoặc trong trường hợp đột nhiên phát hiện một tàu vừa rời cầu chạy cùng phía với tàu ta.
Cần phải hành động khác với quy tắc hay không trong những trường hợp trên là tùy thuộc vào kinh nghiệm của sĩ quan hàng hải. Một nhà hàng hải có kinh nghiệm cần có những phản ứng linh hoạt, phán đoán chính xác hoàn cảnh xung quanh.
Mục đích của những “hành động ngoại lệ, không theo quy tắc” kể trên là để tránh một khả năng đâm va có thể xảy ra, hoặc giảm nhẹ tổn thất do va chạm. Cần phải cân nhắc và đồng thời nhận thấy sự cần thiết cho an toàn mới áp dụng “hành động ngoại lệ không theo quy tắc”, đồng thời phải áp dụng vào một thời điểm thích hợp. Khi hành động, tất cả các tác nghiệp phải hợp logic, phù hợp với những nguyên tắc kỹ thuật, không nên hành động một cách lúng túng, vô căn cứ, mù quáng.
Kinh nghiệm cho thấy khi hai tàu đến quá gần nhau, nhân tố tâm lý của sĩ quan hàng hải có một tác động rất lớn, nếu không bình tĩnh phán đoán hoặc chủ quan phán đoán một cách phiến diện hành động của tàu khác, dẫn tới quyết định “hành động không theo quy tắc” quá sớm, và không cần thiết có thể gây nên những hậu quả không lường được.
T.V.K