9 MỐI NGUY THƯỜNG GẶP CỦA TÀU CHỞ XÔ HÀNG RỜI RẮN TRÊN TÀU BIỂN

Ngày 17-08-2021 Lượt xem 2991

Vận tải biển là một mắt xích quan trọng trong thương mại quốc tế. Tàu biển là phương tiện hiện đại và hiệu quả nhất và thường là phương pháp duy nhất để vận chuyển khối lượng lớn các mặt hàng cơ bản và các sản phẩm hoàn chỉnh. Tàu chở hàng rời đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Hàng rời rắn bao gồm hàng loạt các sản phẩm khác nhau. Một số vật liệu rời rắn thường đã qua xử lý như than đá, xi măng, hàng hạt, lưu huỳnh, phân bón, quặng sắt và đường v.v… Những sản phẩm này thường không được đóng gói mà vận chuyển xô với số lượng lớn trong hầm tàu.

Nhiều loại hàng rời rắn cũng được phân loại là "hàng nguy hiểm” đòi hỏi sự chú ý đặc biệt trong quá trình bốc hàng, vận chuyển và dỡ hàng. Việc vận chuyển hàng rời rắn có nhiều mối nguy tiềm ẩn và vì thế cần phải bốc xếp hàng và vận chuyển sao cho hiệu quả và an toàn.

Trong lịch sử phát triển của đội tàu viễn dương nước ta đã từng xảy ra một số tai nạn sự cố không nhỏ thậm chí thảm khốc khi chuyên chở các loại hàng rời rắn như gạo, quặng dẫn tới mất hàng, chết người. Thảm họa xảy về vụ tàu Vinalines Queen chở xô quặng rời bị chìm vào năm 2011gây tổn thất toàn bộ cả tàu, hàng hóa và thuyền viên (chỉ còn một người sống sót).

9 MỐI NGUY THƯỜNG GẶP CỦA TÀU CHỞ XÔ HÀNG RỜI RẮN TRÊN TÀU BIỂN

Thuyền trưởng Tiếu Văn Kinh (tổng hợp)

Vận tải biển là một mắt xích quan trọng trong thương mại quốc tế. Tàu biển là phương tiện hiện đại và hiệu quả nhất và thường là phương pháp duy nhất để vận chuyển khối lượng lớn các mặt hàng cơ bản và các sản phẩm hoàn chỉnh. Tàu chở hàng rời đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Hàng rời rắn bao gồm hàng loạt các sản phẩm khác nhau. Một số vật liệu rời rắn thường đã qua xử lý như than đá, xi măng, hàng hạt, lưu huỳnh, phân bón, quặng sắt và đường v.v… Những sản phẩm này thường không được đóng gói mà vận chuyển xô với số lượng lớn trong hầm tàu.

Nhiều loại hàng rời rắn cũng được phân loại là "hàng nguy hiểm” đòi hỏi sự chú ý đặc biệt trong quá trình bốc hàng, vận chuyển và dỡ hàng. Việc vận chuyển hàng rời rắn có nhiều mối nguy tiềm ẩn và vì thế cần phải bốc xếp hàng và vận chuyển sao cho hiệu quả và an toàn.

Trong lịch sử phát triển của đội tàu viễn dương nước ta đã từng xảy ra một số tai nạn sự cố không nhỏ thậm chí thảm khốc khi chuyên chở các loại hàng rời rắn như gạo, quặng dẫn tới mất hàng, chết người. Thảm họa xảy về vụ tàu Vinalines Queen chở xô quặng rời bị chìm vào năm 2011gây tổn thất toàn bộ cả tàu, hàng hóa và thuyền viên (chỉ còn một người sống sót).

Dưới đây xin đề cập đến, giống như ôn lại, một số trong các mối nguy thường gặp nhất của hàng rời rắn chở xô trên tàu biển, như là những lới nhắc nhở.

1. Hàng hóa hóa lỏng:

Hóa lỏng là một hiện tượng trong đó hàng rời rắn đột ngột chuyển từ trạng thái khô rắn sang trạng thái gần như chất lỏng. Nhiều loại hàng rời thông thường như quặng sắt, quặng niken và các loại quặng khoáng sản khác nhau là những ví dụ của các loại vật chất có thể hóa lỏng. Hóa lỏng xảy ra là kết quả của sự nén chặt hàng hóa do rung cơ học, do chuyển động lắc của tàu và tác động của sóng gây thêm kích động rung chuyển hàng hóa.

Hóa lỏng làm phát triển trạng thái chảy của hàng hóa khiến hàng hóa dịch chuyển theo một phương hướng nào đó và tạo nên hiệu ứng mặt thoáng tự do làm giảm ổn tính GM của tàu. Trước khi bốc bất cứ thứ hàng rời rắn nào đại phó của tàu phải kiểm tra chu đáo khai báo của chủ hàng. Chủ hàng phải đảm bảo rằng các hàm lượng độ ẩm của hàng hóa chuẩn bị bốc lên tàu không được vượt quá giới hạn độ ẩm vận chuyển (Transportable Moisture Limit –TML) để phòng tránh hàng hóa hóa lỏng trong hành trình. Thường khai báo của người gửi hàng là không chính xác. Cần thiết tiến hành kiểm tra hàm lượng độ ẩm ngay tại tàu.

2. Hàng hóa dịch chuyển :

Dịch chuyển hàng hóa trong hầm luôn luôn là một trong những mối nguy hiểm lớn nhất đối với tàu chở hàng rời. Đặc biệt, hàng hạt còn tiềm ẩn mối nguy lớn hơn, trong quá trình chuyên chở, hàng hạt bị lún xuống làm thể tích của nó bị thu nhỏ chừng 2%. Vì hạt bị lún làm phát sinh một khoảng trống nhỏ trên cùng của bề mặt hàng hạt. Do đặc tính lan chảy của hạt khiến hạt dịch chuyển trong khoảng trống này khi tàu lắc, từ đó làm suy giảm ổn tính của tàu. Nhờ san phẳng (trimming) hàng hóa sau khi bốc hàng làm suy giảm nguy cơ hàng hóa dịch chuyển. Tuy nhiên tàu lắc ngang quá mạnh trong sóng to gió lớn vẫn có thể khiến hàng hóa dịch chuyển từ mạn này sang mạn kia và làm suy giảm nghiêm trọng ổn tính dương của tàu khiến tàu dễ bị lật.

3. Hàng hóa rót xuống từ trên cao:

Các loại hàng như quặng sắt, quặng thạch anh và kim loại vụn là loại hàng có trọng lượng riêng lớn. Trong quá trình làm hàng có khả năng hàng hóa được rót xuống từ trên cao. Hàng hóa có thể rơi từ băng chuyền bốc hàng hoặc nhả từ gàu ngoặm ở trên cao xuống hầm hàng. Người làm việc trên boong tàu có thể bị thương nặng nếu va chạm các khối hàng hóa loại này, thậm chí có thể tử vong. Vì vậy, các sĩ quan trực làm hàng phải luôn luôn giám sát và chịu trách nhiệm không để ai có mặt trong khu vực làm hàng trên boong tàu. Người đang tham gia vào các hoạt động làm hàng phải mặc quần áo bảo hộ bao gồm mũ, giày an toàn và quần áo có màu sắc dễ nhìn thấy.

4. Bụi từ hoạt động làm hàng:

Bụi là một trong những mối nguy thường gặp nhất trên các tàu chở hàng rời rắn. Phát sinh bụi bẩn là một trong những đặc tính của hàng rời rắn. Các hạt bụi nhỏ bay trong không khí khiến chúng ta có thể hít vào và dĩ nhiên gây tác hại nhiều đến sức khỏe. Bất cứ ai làm việc trên boong tàu đều có thể tiếp xúc với bụi nồng độ cao. Bụi có thể gây hắt hơi và bỏng rát mắt. Trong điều kiện có thể tốt nhất nên tránh tiếp xúc với bụi hàng hóa; tuy nhiên trong trường hợp không thể tránh được thì nên mang mặt nạ bảo vệ. Những ai tham gia vào hoạt động làm hàng có mặt trên boong đối với loại hàng có bụi, và bất cứ ai tham gia quét dọn hàng hóa bằng chổi hoặc thiết bị thổi khí nên đeo khẩu trang hoặc thiết bị hô hấp thích hợp. Bộ lọc của các thiết bị này phải được vệ sinh khi bị bẩn. Các thiết bị trên boong cũng phải được bảo vệ thích hợp để tránh ảnh hưởng của bụi.

5. Hàng gây hư hỏng kết cấu tàu:

Hàng hóa có khối lượng riêng lớn mà chiếm một diện tích nhỏ trong hầm hàng khiến cho kết cấu tàu chịu tải cục bộ lớn. Vì vậy quặng có hệ số chất xếp (Stowage Factor – SF) nhỏ phải được phân bố rải ra trong hầm hàng. Điều quan trọng là đáy hầm phải có đủ cường độ để chuyên chở hàng nặng như quặng sắt, quặng niken, bauxite vv. Không bao giờ cho phép vượt qua tải cục bộ. Tải cục bộ của đáy hầm được cung cấp trong tập sách Ổn tính của tàu. Hàng hóa bốc vào hầm mà vượt quá tải trọng cục bộ tối đa cho phép trong bất kỳ tình huống nào cũng sẽ phá vỡ sức bền cấu trúc thân tàu làm biến dạng và hư hỏng thân tàu. Phân bố không tốt hàng hóa và/hoặc san phẳng hàng không thỏa đáng có thể làm cho mômen uốn và và lực cắt thân tàu vượt qua giới hạn cho phép.

6. Suy giảm oxy:

vận tải các loại hàng rời có tính hữu cơ như gỗ, bột giấy và các sản phẩm nông nghiệp có thể dẫn đến thiếu ôxy nhanh chóng, nghiêm trọng và hình thành carbon dioxide trong hầm hàng. Như vậy rõ ràng là từ hàng vô hại vẫn có thể tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tính mạng con người. Các hầm hàng và khu vực kín trên tàu chở hàng rời rắn là các ví dụ về không gian kín thiếu oxy, hình thành không khí độc hại. Một số vụ tai nạn gây tử vong đã xảy ra khi con người đi vào không gian kín không được thông gió. Bộ luật IMSBC đã liệt kê các hàng hóa sau đây có khả năng làm suy giảm oxy trong hầm hàng: coal, direct reduced iron, sponge iron, sulphide concentrates, ammonium nitrate based fertilisers, linted cotton seed . Danh sách còn có các sản phẩm thể khí khác nhau được hình thành bao gồm: carbon monoxide, carbon dioxide, hydrogen sulphide and hydro carbons. Con người chỉ được phép vào không gian kín khi không gian kín đã được thông gió và đo không khí bằng những dụng cụ chuyên dụng theo yêu cầu của Giấy phép vào khu vực kín của Thuyền trưởng. Trường hợp khẩn cấp muốn vào không gian kín phải mang thiết bị thở SCBA. Một số hàng hoá cũng thu nạp oxy trong không gian vận chuyển hàng hóa, ví dụ hàng phoi kim loại bị rỉ sét. Một số hàng hạt cũng có thể làm suy giảm hàm lượng oxy trong không gian vận chuyển hàng hóa.

7. Ăn mòn:

Một số hàng hóa như than đá và lưu huỳnh có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng do tính ăn mòn của chúng. Hàng lưu huỳnh chở xô trước khi bốc lên tàu thường để ngoài trời tiếp xúc các điều kiện thời tiết khắc nghiệt làm cho hàng hóa gia tăng độ ẩm. Lưu huỳnh ướt có nguy cơ ăn mòn cao. Khi lưu huỳnh được bốc xuống tàu, nước tự do dần dần đọng xuống dưới đáy hầm trong suốt chuyến đi, từ đó nước ngắm qua các hố la canh. Tuy vậy nước vẫn còn lưu lại dưới đáy hầm và phản ứng với lưu huỳnh tạo ra axit sulfuric dẫn đến sự ăn mòn hầm hàng. Bột than đá sót lại sau khi dỡ hàng tồn động trong các vũng nước trong hầm hàng thường có độ ẩm và hàm lượng lưu huỳnh cao. Loại than đá này có thể phản ứng với nước và tạo ra axit có thể ăn mòn các bộ phận của tàu.

8. Nhiễm bẩn:

Dọn vệ sinh hầm hàng chuẩn bị vận chuyển mặt hàng mới tiếp theo là một yếu tố quan trọng của tàu chở hàng rời rắn. Thiếu sự chuẩn bị thích hợp có thể dẫn đến các khiếu nại liên quan đến chất lượng hàng hóa như hàng hóa bị nhiễm bẩn, ngấm nước hoặc mất mát, thiếu hụt. Chất phế thải còn lại và bụi bẩn của hàng hóa trước đó có thể gây nhiễm bẩn hàng rời bốc lên tàu, có thể làm giảm chất lượng hàng hóa và sẽ không được người nhận hàng chấp nhận. Xi măng khi bị nhiễm bẩn bởi chất phế thải của hàng hóa trước đó sẽ làm giảm khả năng liên kết của nó khiến xi măng suy giảm chất lượng. Đường thô nếu xếp gần hoặc xếp ở trên đường tinh luyện khô ráo có thể làm hỏng đường tinh bởi nước xi-rô thoát ra từ đường thô. Loại hàng như muối có thể hấp thụ độ ẩm và hòa tan thành chất lỏng. Đường có thể lên men trong điều kiện không gian với độ ẩm cao. Các hố la canh nên được bơm ra thường xuyên trong suốt chuyến đi.

9. Cháy nổ:

Hàng rời chở xô hầu như tồn tại rất nhiều nguy cơ cháy nổ. Nhiều loại hàng hóa rời có xu hướng tăng nhiệt do quá trình oxy hóa diễn ra trong hành trình. Hàng hóa thông thường như than đá, lưu huỳnh, bông, bột cá đều có nguy cơ tăng nhiệt và tự cháy. Than đá cũng phát ra khí metan là một chất khí dễ cháy, khi trộn với không khí nó có thể tạo thành một hỗn hợp nổ. Bụi tạo ra bởi một vài loại hàng nhất định có thể hình thành nguy cơ nổ. Bụi sulphur có thể dễ dàng bắt cháy gây nổ. Ma sát giữa các kiện bông có thể tạo ra nhiệt và tự phát cháy. Vì vậy, cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa cháy nổ và theo dõi chặt chẽ các diễn biến của hàng hóa trên tàu chở xô hàng rời rắn.

Trên đây không phải là một danh mục liệt kê đầy đủ các mối nguy hiểm của hàng rời rắn chở xô mà chỉ nêu các nguy cơ phổ biến nhất.

Con tàu là phương tiện vận tải, thuyền viên trên tàu có nghĩa vụ chăm sóc bảo quản hàng hóa một cách chuyên nghiệp để đảm bảo hàng hóa được dỡ khỏi tàu còn nguyên vẹn với trạng thái chất lượng và số lượng như khi nó đã được bốc lên tàu. Cần tham khảo chu đáo Bộ luật IMSBC để bốc dỡ và vận chuyển hàng rời rắn một cách an toàn. Phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa thích hợp và làm việc với tư cách người đi biển lành nghề để giảm thiểu và khắc phục các nguy cơ có thể xảy ra khi vận chuyển hàng rời rắn chở xô./.

T.V.K

register-ship-box-img
Gọi ngay: 0962.366.229
SMS: 0962.366.229 Chat Zalo