Phó 3 mới và sỹ quan hàng hải nên đọc

Ngày 25-01-2021 Lượt xem 10180

Các sĩ quan trực ca và các bạn phó ba chuẩn bị đi ca độc lập cần đọc và nghiên cứu chu đáo khi đảm nhiệm chức danh trên tàu.

Các sĩ quan trực ca và các bạn phó ba chuẩn bị đi ca độc lập cần đọc và nghiên cứu chu đáo chủ đề sau đây:

TÌM HIỂU VỀ QUẢN LÝ NGUỒN LỰC BUỒNG LÁI

Chức trách thuyền viên của Bộ GTVT quy định một trong những nhiệm vụ của Thuyền phó ba phải “Đảm nhiệm ca trực từ 08h00 đến 12h00 và từ 20h00 đến 24h00 trong ngày”. Xét về khía cạnh nhiệm vụ trực ca trực 8 giờ hàng ngày thì trách nhiệm đảm bảo an toàn hàng hải của Phó ba hoàn toàn giống và cũng nặng nề như Phó hai hoặc Đại phó, chỉ khác nhau về giờ giấc. Tuy nhiên, kinh nghiệm trực ca của Phó ba không thể sánh với các Thuyền phó khác. Điều này đòi hỏi thuyền phó ba không ngừng học hỏi, vượt khó khăn và tinh thần trách nhiệm cao để đảm bảo an toàn hàng hải trong ca trực của mình.

Tục ngữ Anh có câu “ Trên biển lặng thì ai làm hoa tiêu cũng được” (In calm sea everyone is a pilot). Nhưng đại dương không bao giờ yên tỉnh ?. Trên biển con người phải luôn đối mặt với bao nhiêu tình huống phức tạp, rủi ro đe dọa an toàn của con tàu Vì vậy để đảm bảo thuận buồm xuôi gió trong ca trực, yêu cầu Phó ba phải có bước chuẩn bị thật chu đáo và cố gắng rất nhiều mới hoàn thành được nhiệm vụ của mình.

Trước khi trở thành Sĩ quan trực ca (SQTC) trên buồng lái, Sĩ quan hàng hải phải hiểu khái niệm Quản lý nguồn lực buồng lái là gì và áp dụng nó trên buồng lái ra sao ?.

QUẢN LÝ NGUỒN LỰC BUỒNG LÁI (Bridge Resource Management - BRM) còn gọi là “Quản lý tổ buồng lái” (Bridge Team managemnet – BTM) .

Khái niệm “Quản lý Nguồn lực Buồng lái” (Bridge resource management or BRM) cùng với “Quản lý nguồn lực buồng máy” (ERM) đã được thừa nhận vào đầu năm 1990 bởi ngành công nghiệp hàng hải như một công cụ quản lý an toàn phòng tránh sai sót. BRM cũng được đề cập đến trong STCW 2010 ở Mục A-VIII/2, Phần 3. Hiện nay BRM luôn luôn được nhắc đến trong các Sổ tay Quản lý An toàn trên tàu và đã trở thành một phần không thể thiếu trong đào tạo sinh viên hàng hải và thuyền viên.
BRM đề cập sự tận dụng tất cả các nguồn lực sẵn có trên buồng lái bao gồm ba thành phần trụ cột là TRANG THIẾT BỊ, THÔNG TIN VÀ NGUỒN NHÂN LỰC để đạt được mục đích an toàn cho hoạt động hàng hải. BRM đóng vai trò quan trọng ngăn chặn rủi ro trong các tình huống mà lỗi của con người có thể dẫn tới các tác động hủy hoại ghê gớm. Nó đã được chứng minh là một công cụ thiết yếu để cải thiện an toàn trong ngành công nghiệp hàng hải và nhờ đó ngăn ngừa sự lập lại các sự cố, tai nạn. Nó giúp vào việc hỗ trợ thực hiện các tác nghiệp an toàn hơn và hiệu quả hơn bằng cách kết hợp sự phát triển của kỹ thuật và kỹ năng của con người.

QUẢN LÝ NGUỒN LỰC BUỒNG LÁI BRM được coi là một công cụ quản lý hiệu quả bằng cách sử dụng tất cả các nguồn lực có sẵn để đảm bảo hoàn thành chuyến hành trình an toàn của tàu.

A. CÁC YẾU TỐ THEN CHỐT CỦA QUẢN LÝ NGUỒN LỰC BUỒNG LÁI BRM

Quản lý nguồn lực buồng lái bao gồm một số yếu tố then chốt, thiếu các yếu tố này thì không thể đạt được mục tiêu cuối cùng của nó là an toàn hàng hải. Có thể tóm tắt các yếu tố đó như sau:

1. TRUYỀN THÔNG (COMMUNICATION):

Đây là yếu tố đầu tiên của BRM. Nghĩa của thuật ngữ này trong BRM có thể hiểu là trao đổi thông tin, thông tin liên lạc, giao tiếp, gọi chung là “truyền thông” . Nó đòi hỏi những người có liên quan trong nhóm làm việc trên buồng lái phải có khả năng thực hiện trao đổi thông tin với nhau một cách hiệu quả. Đó là chìa khóa để thành công trong BRM.

Việc chuyển tải thông tin một cách hiệu quả là một quá trình phức tạp. Nó đòi hỏi các thông tin phải được chuyển tải khi cần thiết; phải được người nhận thông tin hiểu và xác nhận; thông tin có thể phải được lảm rõ khi cần. Trong thực tiễn, nhiều trường hợp, người ta nhận thấy rằng nhiều thông tin cần thiết luôn luôn có sẵn, nhưng nó đã không được cung cấp cho những người cần đến nó kịp thời và đúng lúc. Thông tin không những đã không nhận được mà có thể còn bị hiểu lầm. Nguyên nhân phổ biến của các sự cố lớn là thông tin không chính xác, không đầy đủ, mơ hồ hoặc lộn xộn. Điều quan trọng là thuyền viên trên buồng lái phải xác nhận đã nhận thông tin bằng cách lặp lại lệnh/chỉ thị của cấp chỉ huy để đảm bảo rằng chúng đã được hiểu rõ. Đặc biệt việc trao đổi thông tin khi giao nhận ca trực là môt công việc không thể bỏ qua. Sự tương tác liên tục theo quy trình giữa con người và thiết bị sẽ đảm bảo con tàu chạy theo cách an toàn và hiệu quả. Nhiệm vụ của tất cả các sĩ quan và thuyền viên trên buồng lái phải kiểm tra chéo và đưa ra các câu hỏi ngược để làm rõ thông tin. Chỉ có làm như vậy thì mới đạt được truyền đạt thông tin hiệu quả.

Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng là duy trì một ngôn ngữ chung trên tàu để truyền đạt thông tin trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn. Trên các tàu sử dụng Anh ngữ, tốt nhất phải truyền đạt thông tin khẩu ngữ trong nhóm làm việc và với bên ngoài theo “Thành ngữ trao đổi thông tin hàng hải tiêu chuẩn IMO” (IMO Standard Marine Communication Phrases).

2. LÀM VIỆC NHÓM (TEAMWORK):

BRM tập trung vào xây dựng nhóm làm việc và làm việc theo nhóm. Đây là một khái niệm về hệ thống hợp tác hoạt động của một nhóm người với nhau để tránh sai sót của một người. Làm việc theo nhóm giúp giải quyết những thách thức mà thuyền viên phải đối mặt hàng ngày trên buồng lái. Cách tiếp cận vấn đề theo nhóm đảm bảo rằng tất cả các thành viên trong nhóm đang tham gia cùng giải quyết vấn đề và mỗi thành viên không thể đơn thuần là người ngoài cuộc. Thảo luận trong nhóm là rất thiết thực cho việc học tập và tinh luyện BRM.

Một nhóm hoạt động hiệu quả sẽ lường trước các tình huống nguy hiểm và nhận biết sự phát triển của một chuỗi các sai sót. Trên buồng lái sĩ quan trực ca và thủy thủ cảnh giới nên làm việc theo nhóm để bảo đảm hàng hải an toàn và hiệu quả. Hàng hải an toàn và hiệu quả không phải là công việc của một người, bởi vì để đạt được điều đó phải xem xét nhiều phương diện khác nhau trên buồng lái. Điều quan trọng là nhóm buồng lái phải chia sẻ cách nhìn nhận chung về hành trình dự định. Nếu khi cảnh giới có bất kỳ nghi ngờ nào thì phải lên tiếng kịp thời. Mỗi cá nhân đóng góp cách tốt nhất có thể của mình và đưa ra các ý tưởng tốt hơn khi làm việc nhóm.

3. RA QUYẾT ĐỊNH (DICITION MAKING):

Đây là một kỹ năng quan trọng trong BRM hiệu quả. Việc ra quyết định có vẻ là một vấn đề mang tính cá nhân. Chúng ta đều đồng ý rằng Thuyền trưởng là người chỉ huy đưa ra quyết định tối hậu, chịu trách nhiệm cuối cùng về an toàn của con tàu. Tuy nhiên, điều quan trọng đối với người đưa ra quyết định là phải tiếp nhận thông tin có giá trị từ các sĩ quan và thuyền viên. Trước khi áp dụng bất cứ quyết định nào, điều sống còn là phải thu thập đầy đủ thông tin phù hợp có liên quan. Một quyết định sai lầm có thể dẫn đến nhiều tình huống không mong muốn trên tàu. Do đó, Thuyền trưởng nên tiến hành thường xuyên các cuộc họp, tương tác và trao đổi ý kiến với các sĩ quan và thuyền viên. Thông qua lắng nghe các ý kiến khác nhau có thể giúp Thuyền trưởng rút ra sự lựa chọn cuối cùng và nhờ đó có một quyết định thận trọng và chu đáo.

Do lịch trình công việc bận rộn và thường xuyên ghé các cảng, Thuyền trưởng thường không thể thu thập đủ thông tin trong một thời gian ngắn ngủi hoặc đánh giá đầy đủ các giải pháp tình thế. Trong các trường hợp như vậy quyết định mà Thuyền trưởng áp dụng chủ yếu dựa trên kinh nghiệm đã tích lủy trong quá khứ. Là người có nhiều kinh nghiệm và từng trải trong nghề nghiệp, do đó Thuyền trưởng trên tàu được coi là người duy nhất ra quyết định. Rút kinh nghiệm từ hậu quả của các quyết định đã thực hiện cũng là một phần không thể thiếu của quá trình ra quyết định.

4. NHẬN THỨC TÌNH HUỐNG (SITUATIONAL AWARENESS) :

Mỗi nhà hàng hải nên suy nghĩ và hoạch định kế hoạch chu đáo trước khi các tình huống xảy ra. Các sĩ quan trực trên buồng lái cũng như thuyền viên cần phải nhận biết các tình huống bên ngoài và nội bộ có thể ảnh hưởng đến an toàn tàu ra sao. Nhà hàng hải phải luôn quan sát bằng đôi mắt tinh tường và đôi tai nhạy bén, chúng phải hoạt động liên tục và sẵn sàng chuẩn bị cho những tình huống bất thường. Điều đó lúc nào cũng quan trọng để kết nối những gì đang diễn ra trong hiện tại với những gì đã xảy ra trong quá khứ và dự báo những gì có thể dẫn tới trong tương lai và sẵn sàng ứng phó.

B. KHI THỰC HIỆN BRM TRÊN BUỒNG LÁI, SĨ QUAN HÀNG HẢI CẦN TẬP TRUNG TINH LỰC VÀO MẤY VIỆC QUAN TRỌNG SAU ĐÂY:

1. Lập hải trình (Passage plan)
2. Hải đồ và ấn phẩm, hiệu chỉnh hải đồ,
3. Hướng dẫn triển khai thực hiện kế hoạch hải trình,
4. Trực ca buồng lái, chấp hành Colregs, cảnh giới.
5. Áp dụng các thiết bị kỹ thuật rađa, ARPA, ECDIS, AIS …
6. Hệ thống truyền thông nội bộ và bên ngoài, VHF, GMDSS, Navtex,
7. Ngăn ngừa sự cố, tình huống bát ngờ (Contingency Procedure)
8. Huấn luyện SOLAS,
9. Lệnh thường trực của thuyền trưởng,
10. Trao đổi thông tin giữa thuyền trưởng và hoa tiêu,
11. Bố trí trực ca thích hợp,
12. Dịch vụ lưu thông tàu thuyền (Vessel Traffic Services -VTS)
13. Các yếu tố môi trường, ngoại cảnh.
14. Báo cáo đánh giá chuyến hành trình.

KẾT LUẬN:

Cần thiết phải nhấn mạnh rằng để hiểu thấu đáo Quản lý nguồn lực buồng lái đòi hỏi sự nỗ lực bền bỉ và lâu dài của các Sĩ quan hàng hải. Cần chấp nhận và thực hành BRM như là một tập quán, một cách hành xử trong văn hóa an toàn hàng hải. Quản lý nguồn lực buồng lái rất quan trọng đối với tất cả thuyền viên, giúp họ làm việc an toàn và hiệu quả trong mọi tình huống. Đây là một phương cách nỗ lực cải thiện khả năng của con người để thực hiện các công việc đang sử dụng máy móc thiết bị phức tạp, đồng thời tạo ra một môi trường làm việc an toàn. Yếu tố con người đã gây ra phần lớn các sự cố; tai nạn hàng hải không miễn trừ bất cứ ai. Những điều không tốt đẹp có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu thiếu cảnh giác. Con người phải nhận biết những rủi ro và tránh mạo hiểm. An toàn không phải là thứ gì đó có sẵn mà là thứ chúng ta phải tạo ra và gìn giữ mỗi ngày./.

T.V.K

register-ship-box-img
Gọi ngay: 0962.366.229
SMS: 0962.366.229 Chat Zalo