Nghiệp vụ sỹ quan vận hành Boong

Ngày 25-01-2021 Lượt xem 8832

Sỹ quan boong nên đọc và tìm hiểu hỗ trợ cho công việc thực tế trên tàu của mình.

Sử dụng, tu chỉnh và bảo quản hải đồ

Hải đồ là một tài liệu được sử dụng thường xuyên trên tàu, rất cần thiết cho mọi chuyến đi. Vì vậy tàu phải có đầy đủ hải đồ cho các tuyến đường mà tàu hoạt động, nếu thiếu phải mua ngay.
a. Sử dụng hải đồ:
Nên chọn hải đồ mới nhất, có tỷ lệ xích lớn nhất nếu trong khu vực chạy tàu có nhiều hải đồ. Nếu số liệu trên hải đồ và tài liệu hàng hải khác nhau thì phải lấy thông số từ những hải đồ mới nhất, có tỷ lệ xích lớn nhất. Trước khi sử dụng hải đồ phải đọc những ghi chú trên hải đồ, lưu ý các đơn vị dùng cho hải đồ.
Các hải đồ trang bị trên tàu phải được lập thành danh mục, sắp xếp cẩn thận, theo thứ tự để dễ tìm, dễ lấy.
* Lưu ý:
- Nếu không thật cần thiết, không đưa tàu vào khu vực bên trong đường đẳng sâu 20m 
- Những khu vực đáy biển chưa khảo sát không nên cho tàu chạy qua.
- Nếu khoảng trống trên hải đồ nằm gần khu vực có độ sâu lớn, biến đổi đều có thể coi là an toàn, ngược lại thì không an toàn.
- Để sử dụng tốt hải đồ, phải đọc kỹ các ký hiệu hải đồ.
b. Tu chỉnh hải đồ:
Thường xuyên tu chỉnh hải đồ theo những thông báo hàng hải mới nhất có trong tay, nếu có vài tờ hải đồ phải tu chỉnh hết, đảm bảo rằng không còn sót tờ nào không được tu chỉnh.
Có 3 loại tu chỉnh:
- Tu chỉnh nhỏ và vừa: có thể dùng bút mực màu sửa trực tiếp trên hải đồ.
- Tu chỉnh lớn: tiến hành 1 tờ giấy rồi dán đè lên, thường trong các thông báo hàng hải có in sẵn khu vực tu chỉnh, chỉ cần cắt ra và dán vào.
Sau khi tu chỉnh ghi rõ ngày tháng năm tu chỉnh. Khi qua những khu vực nguy hiểm, đánh dấu, nghiên cứu kỹ tài liệu vì hải đồ không thể cung cấp đủ các thông tin hàng hải.
Để đảm bảo sử dụng được hải đồ lâu dài, phải bảo quản hải đồ tại nơi khô ráo, tránh gập hải đồ, tránh phơi nắng vì nắng có thể làm biến dạng tờ hải đồ, khi thao tác phải thao tác bằng bút chì mềm, không kẻ đường đi, đánh dấu vị trí đậm nét. Tuyệt đối cấm dùng bút mực, bút bi viết lên hải đồ, mũi compa phải nhọn.

Các ấn phẩm hàng hải trên tàu

1. Admiralty Notices to Mariners (Weekly Edition): Thông báo hàng hải (Hàng tuần).
Tài liệu thông báo hàng hải được xuất bản hàng tuần, nội dung bao gồm 6 phần:
Phần 1: Giải thích các thông báo hàng hải. Nêu phụ lục của phần 2.
Phần 2: Các thông báo hàng hải. Các hiệu chỉnh cho hải đồ đi biển.
Phần 3: In lại các cảnh báo hàng hải.
Phần 4: Hiệu chỉnh cho tài liệu Hàng hải chỉ nam.
Phần 5: Hiệu chỉnh cho tài liệu Danh sách các trạm đèn và các tín hiệu sương mù.
Phần 6: Hiệu chỉnh cho tài liệu Danh sách các trạm Radio hàng hải.
2.Annual Summary of Admiralty Notices to Mariners (NP247): Tóm tắt thường kỳ các thông báo hàng hải.
Ấn phẩm này được xuất bản hàng năm, có ghi ngày tháng bắt đầu có hiệu lực. Nội dung bao gồm 3 phần chính như sau:
Phần 1: Các thông báo hàng hải từ số 1 - 24
Phần 2: Các thông báo tạm thời và các thông báo quan trọng.
Phần 3: Các thông báo sửa đổi, hiệu chỉnh cho tài liệu Hàng hải chỉ nam

3.Comulitive List of Admiralty Notices to Mariners: Danh sách bổ sung các thông báo hàng hải.
Ấn phẩm này xuất bản nhằm ghi lại ngày tháng phát hành các thông báo hàng hải cho việc hiệu chỉnh hải đồ đi biển. Trong đó liệt kê số hải đồ, ngày có thông báo hàng hải và các số thông báo hàng hải cho tờ hải đồ đó. Tài liệu này rất thuận tiện cho người sử dụng hải đồ, vì rằng nhìn vào đó chúng ta có thể biết tờ hải đồ mình đang sử dụng đã được hiệu chỉnh bao nhiêu lần và số hiệu chỉnh mới nhất nào vẫn còn hiệu lực. Ví dụ: chúng ta đang có cuốn Comulitive List of Admiralty Notices to Mariners January 2003 trang 18 có ghi:
Chart No. Edition Notices to Mariners affecting the chart from 1 January 2001
1681 Nov. 1914 2001-1282
1704 Sept.2000 2001-1829-2024-2448-2710-3580-4995-2002-64-65-182-573-1462-1463-2197-2805-3335-4247-4470-5007-5257
2946 Sep. 1983
Ta hiểu rằng:
Tờ hải đồ số 1681 xuất bản từ tháng 11 năm 1914 và đã được hiệu chỉnh mới nhất theo thông báo hàng hải số 1282 năm 2001.
Tờ hải đồ số 1704 xuất bản tháng 9 năm 2000 và đã được hiệu chỉnh năm 2001 bằng các thông báo hàng hải số: 1829-2024-2448-2710-3580-4995 và năm 2002 bằng các thông báo hàng hải số: 64-65-182-573-1462-1463-2197-2805-3335-4247-4470-5007-5257.
Tờ hải đồ số 2946 xuất bản tháng 9 năm 1983 đến nay (2003) vẫn sử dụng bình thường mà chưa cần hiệu chỉnh.
4. Admiralty List of Lights and Fog Signals: Danh sách các đèn biển và tín hiệu sương mù.
Bao gồm 11 cuốn, được đánh số từ NP 74 - 84 như sau:
Volume A (NP 74): Dành cho các đảo Anh quốc, bờ biển phía Bắc nước Pháp từ Dunkerque tới lối vào Goulet de Brest kể cả khu vực đặt thiết bị dầu mỏ và khí đốt biển Bắc.
Volume B (NP 75): Bờ phía Nam và phía Đông của biển Bắc, bao gồm cả vùng ven bờ biển của Thuỵ Điển và Nauy, giới hạn giữa vĩ độ 58030’N và 60055’N.
Volume C (NP 76): Biển Baltic, vùng Kattegat, Belts và Sound
Volume D (NP 77): Phía Đông Đại Tây Dương, phía Tây ấn Độ Dương và vùng biển ả-Rập, từ Goulet de Brest về hướng Nam, kể cả các đảo phía ngoài khơi kéo dài tới kinh độ 680E.
Volume E (NP 78): Địa Trung Hải, Biển Đen và Biển Đỏ
Volume F (NP 79): Vịnh Bengal và Thái Bình Dương, phần phía Bắc xích đạo.
Volume G (NP 80): Bờ phía Tây của Nam Đại Tây Dương và phía Đông Thái Bình Dương, từ Cabo Orange tới Point Barrow và quần đảo Hawai
Volume H (NP 81): Bờ phía Bắc và phía Đông của Canada, kể cả sông và cửa biển Saint Lawrence.
Volume J (NP 82): Bờ phía Tây của Bắc Đại Tây Dương từ Maine tới Cabo Orange, kể cả vịnh Mexico và biển Caribbean.
Volume K (NP 83): ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, phần phía Nam xích đạo.
Volume L (NP 84): Các vùng biển Bắc: Vùng bờ biển Nauy phía bắc của vĩ độ 60055’N, Svalbard, Feroes, Iceland, Greenland và bờ biển phía Bắc của nước Nga tới eo biển Bering.
Trong đó về phần danh sách đèn có ghi: Số hiệu quốc tế của đèn, tên đèn (ví dụ đèn Hòn Dáu có số hiệu 3236 còn đèn Long Châu có số hiệu 3232), tên đèn khu vực đặt đèn, vị trí địa lý (kinh vĩ độ), các đặc điểm của đèn, độ cao so với mức nước biển (tính bằng mét), tầm xa (tính bằng hải lý), mô tả hình dáng đèn và độ cao so với mặt đất của nó (tính bằng mét) và cuối cùng là các dấu hiệu, cung chiếu sáng, chu kỳ, kiểu chiếu sáng của đèn. Ngoài ra còn ghi về tín hiệu sương mù, thường phát bằng còi, chuông điện…
5.Admiralty List of Radio Signals: Danh sách các trạm Radio Hàng hải.
Được đánh số từ NP 281 - NP 288.
Volume 1: NP 281 (1 và 2) : Danh sách các trạm Radio ven bờ
Tập 1 được chia làm 2 phần:
Phần 1: Châu âu, Châu Phi và Châu á (ngoại trừ các đảo của Philippine và Indonesia)
Phần 2: Các đảo của Philippine, Indonesia, Australasia, Americas, Greenland và Iceland
Volume 2: NP 282: Danh sách các trạm Radiobeacon, các trạm Vô tuyến tầm phương, các trạm Radio ven bờ.
Volume 3: NP 283 (1 và 2): Danh sách các trạm Radio dịch vụ thời tiết và phát các cảnh báo hàng hải.
Tập 3 được chia làm 2 phần:
Phần 1: Châu âu, Châu Phi và Châu á (ngoại trừ các đảo của Philippine và Indonesia)
Phần 2: Các đảo của Philippine, Indonesia, Australasia, Americas, Greenland và Iceland
Volume 4: NP 284: Danh sách các trạm quan trắc khí tượng.
Volume 5: NP 285 : Hệ thống GMDSS 
Volume 6: NP 286 (1 và 2): Danh sách về dịch vụ Hoa tiêu và thông tin về các cơ quan theo dõi hoạt động tàu thuyền của Cảng vụ. Nêu lên các chỉ dẫn giúp cho tàu ra vào cảng
Tập 6 được chia làm 2 phần:
Phần 1: Châu âu và Địa Trung Hải
Phần 2: Châu Phi, Châu á , Australasia, Americas, Greenland và Iceland
Volume 7: NP 287 (1 và 2): Hệ thống dịch vụ Giao thông và Báo cáo dành cho các tàu thuyền.
Tập 7 được chia làm 2 phần:
Phần 1: Châu âu và Địa Trung Hải
Phần 2: Châu Phi, Châu á , Australasia, Americas, Greenland và Iceland
Volume 8: NP 288: Hệ thống vệ tinh hàng hải

6. Admiralty Tidal Tables: Bảng thuỷ triều Anh
Được xuất bản hàng năm, bao gồm 4 tập:
Volume 1 (NP 201): Nước Anh và Ireland (bao gồm cả các Kênh luồng và các cảng của Châu Âu)
Volume 2 (NP 202): Vùng nước Châu Âu (ngoại trừ nước Anh và Ireland), vùng biển Địa Trung Hải và Đại Tây Dương.
Volume 3 (NP 203): ấn Độ Dương và vùng biển Nam Trung Hoa (kể cả các thông tin về dòng triều).
Volume 4 (NP 204): Thái Bình Dương (bao gồm cả các thông tin về dòng triều).
7. Admiralty Tidal Stream Atlases: Cẩm nang về dòng triều.
Bao gồm 17 tập, được đánh số từ NP 209 - 337
Edition 1: (NP 222): Vùng cửa vịnh Clyde và khu vực lân cận
Edition 1: (NP 253): Khu vực biển Bắc, phần phía Đông
Edition 1: (NP 265): Nước Pháp, phần bờ phía Tây
Edition 2: (NP 219): Khu vực cảng Portsmouth và khu vực lân cận
Edition 2: (NP 220): Khu vực cảng Rosyth và khu vực lân cận
Edition 2: (NP 221): Khu vực cảng Plymouth và khu vực lân cận
Edition 2: (NP 249): Khu vực cảng sông Theme (cùng với hải đồ dòng triều)
Edition 3: (NP 233): Khu vực Eo Dover
Edition 3: (NP 251): Khu vực biển Bắc, phần phía Nam
Edition 3: (NP252): Khu vực biển Bắc, phần phía Tây-Bắc
Edition 3: (NP 257): Lối vào Portland
Edition 4: (NP 209): Các đảo vùng Orkney và Shetland.
Edition 4: (NP 337): Vùng nước Solent và Adjacent
Edition 4: (NP 250): Khu vực Kênh nước Anh
Edition 4: (NP 256): Biển Irish và Kênh Bristol
Edition 5: (NP 218): Bờ biển phía Bắc của Ireland và bờ biển phía Tây của Scotland
Edition 5: (NP 264): Vùng đảo Kênh và Bờ biển Adjcacent của nước Pháp
8. Admiralty Co - Tidal Stream: Giới thiệu về dòng triều ở vịnh Persian và Đông Nam Châu Á
Edition 2: (NP 214): Vịnh Persian
Edition 1: (NP 215): Vùng biển Đông Nam Châu á
9. Miscellaneous Tidal Publications: Các ấn phẩm về thuỷ triều hỗn hợp.
Bao gồm 6 cuốn: NP 120; NP 122 (1); NP 122 (2); NP 122 (3); NP 160 và NP 164.
Các tài liệu này nói về các đặc tính thuỷ triều của một số vùng đặc biệt, tính toán bằng phương pháp hằng số điều hoà.
10. Pilot books (Sailling Directions): Hàng hải chỉ nam
Đây là tài liệu rất quan trọng cho người đi biển. Ba năm xuất bản 1 lần và các phụ bản cũng được xuất bản 3 năm 1 lần. Bao gồm 72 cuốn cho tất cả các vùng biển và vùng nước trên thế giới. Được đánh số từ NP 1 - NP 72. Nội dung bao gồm tất cả các thông tin cho một vùng biển, một khu vực biển nào đó, cụ thể như:
Các thông tin về các chập tiêu, tiêu đèn
Chỉ dẫn lối ra vào các cảng
Các hiểm nguy khi đến gần khu vực cảng, khu vự neo đậu tàu...
Các khu vực có thể trú ẩn ngoài cảng
Các dấu hiệu đèn, phao liên quan khi đến gần các cảng
Các số liệu về hải đồ ở khu vực cảng
Tên các cảng tiêu chuẩn
Các thiết bị phục vụ trong cảng
Thuỷ triều và dòng chảy
Các qui định về hàng hải
Các qui định lên xuống cảng
Các thiết bị trợ giúp hàng hải
Thời tiết và khí hậu
Các bảng chuyển đổi
11.Ocean Passages for the World (NP 136): Chỉ dẫn về các tuyến đường hàng hải trên các Đại dương toàn thế giới.
12.The Mariner’s Handbook (NP 100): Sổ tay cẩm nang dành cho người đi biển.
Bao gồm 9 chương và phần phụ lục.
Chương 1: Các thông tin về hàng hải bao gồm: Các ấn phẩm hàng hải; hải đồ và các biểu đồ; giới thiệu các loại hải đồ trên thế giới như: Australia và New Zealand; Canada và Americal; các thông báo hàng hải.
Chương 2: Nói về việc sử dụng các hải đồ và các trang thiết bị trợ giúp hàng hải như: Phao đèn, tín hiệu sương mù, Phao tiêu, Hiện tượng tăng mớn nước...
Chương 3: Các qui định và các thông tin trong quá trình khai thác tàu như: các tín hiệu cấp cứu, Đường dấu chuyên chở , Hệ thống tuyến đường, các khu vực tập trận và các khu vực có chất nổ (bãi thuỷ lôi)...Chống ô nhiễm biển, các chú ý về đá ngầm...
Chương 4: Giới thiệu về dòng chảy, thuỷ triều, các dòng chảy trên đại dương, sóng, các hoạt động của núi lửa, động đất, màu nước biển, các dải san hô, đá ngầm...
Chương 5: Trình bày các vấn đề về khí tượng, bão từ..
Chương 6: Giới thiệu về băng biển và các thuật ngữ tóm tắt về băng
Chương 7: Các hoạt động hàng hải ở vùng cực, nơi chịu ảnh hưởng của băng tuyết
Chương 8: Quan sát và báo cáo, các thông tin về thuỷ văn
Chương 9: Giới thiệu về hệ thống phao tiêu hàng hải quốc tế
Phụ lục A: Giới thiệu Quốc kỳ của các nước trên toàn thế giới
Phụ lục B: Giới thiệu toàn bộ Qui tắc Quốc tế về phòng ngừa va chạm tàu thuyền trên biển” COLREG-72” và cuối cùng là các thuật ngữ viếttắt bằng tiếng Anh được sử dụng thông dụng trong hàng hải.
13. Routeing Charts: Hải đồ tuyến đường
14. Routeing Guides: Hải đồ Chỉ dẫn tuyến đường
15. Gnomonic Charts: Hải đồ Gnômônic. 
16. Instructional Charts: Các hải đồ chỉ dẫn
17. Catalogue of Admiralty Chart and Publications: Catalô Hải đồ
Đây là ấn phẩm rất quan trọng cho người đi biển. Tài liệu này do Cơ quan Khí tượng Thuỷ văn Anh xuất bản. Trong đó nêu tên tất cả các ấn phẩm hàng hải được sử dụng trong Hàng hải (hơn 220 ấn phẩm). Đặc biệt là số liệu cụ thể của trên 3.300 tờ hải đồ đi biển cho tất cả các vùng biển trên toàn thế giới. Không một người đi biển nào mà không biết đến cuốn này. Nó là tài liệu quan trọng và cần thiết phải có trên tàu. Cách sử dụng cũng đơn giản, các số hải đồ được qui định trong Catalô là số hải đồ Anh (BA Chart).
18. Nautical Almanac: Lịch thiên văn hàng hải
Lịch thiên văn hàng hải là ấn phẩm xuất bản hàng năm dựa trên sự hợp tác giữa các cơ quan thiên văn học, thiên văn hàng hải Anh và Mỹ, đáp ứng yêu cầu của Hải quân Hoàng gia Anh và Hải quân Mỹ.
Tài liệu này cung cấp các thông tin về vị trí các thiên thể thường được sử dụng trong hàng hải, thời điểm xảy ra một số hiện tượng đặc biệt của chuyển động hàng ngày của thiên thể trong năm và các thông tin quan trọng về thiên văn khác, là cơ sở để giải quyết các bài toán thiên văn thực hành.
Tuy được in riêng biệt ở mỗi nước, nhưng lịch thiên văn của Anh và Mỹ có nội dung giống như nhau. Ngoài ra, số liệu trong lịch này cũng được nhiều quốc gia khác như Brazil, Chile, Đan Mạch, Hy Lạp, ấn Độ, Mexico, Nauy, Hàn Quốc sử dụng để lập lịch riêng, thuận tiện cho sử dụng với đội tàu quốc gia của mình.
19. Guide to Port Entry: Hướng dẫn vào cảng
Đây là một cuốn sách có thể nói là gối đầu giường cho các sĩ quan hàng hải trên tàu, đặc biệt là Thuyền trưởng. Tài liệu này thường được sử dụng trong hai năm. Nó bao gồm tất cả các thông tin về các cảng được sử dụng với mục đích thương mại trên toàn thế giới. Ngoài phần giới thiệu các thông tin chi tiết về các cảng, còn cho ta biết thêm về sơ đồ các cầu cảng, bến cảng, vùng nước liên quan đến hoạt động hàng hải...
Các nước trên thế giới được giới thiệu cũng như tên các cảng thuộc một nước đều được đánh số theo thứ tự A,B,C để dễ tra cứu. Các chỉ dẫn trong tài liệu này chủ yếu là:
- Các chỉ dẫn chung khi đến cảng, khi rời cảng. Vị trí của cảng. Vùng nước qui định của cảng hoặc các eo biển liên quan đến quyền kiểm soát của Quốc gia ven biển. Giới thiệu khu vực neo đậu theo qui định của Chính quyền địa phương. Mớn nước tối đa cho phép đối với tàu thuyền, cỡ tàu tối đa cho phép được vào cảng, công tác hoa tiêu, cặp cầu, sử dụng tàu lai…
-Các tài liệu giấy tờ phải chuẩn bị để làm thủ tục đến cảng
-Công tác kiểm tra về y tế. Chỉ dẫn về các dịch vụ y tế. Các dịch vụ vui chơi giải trí…
-Chỉ dẫn về công tác thông tin liên lạc
-Chỉ dẫn về công tác hàng hoá như công nhân làm hàng, đóng mở hầm hàng…
-Chỉ dẫn về việc cấp nước ngọt, nhiên liệu, đồ dự trữ…
-Chỉ dẫn về công tác kiểm tra, giám định hàng…
-Các chỉ dẫn về công tác đảm bảo trật tự an ninh như: Cảnh sát, công an biên phòng, bảo vệ, Hải quan, Chính quyền Cảng…
-Ngoài ra còn có tài liệu Port Guide có nội dung tương tự

Chuẩn bị giấy tờ thủ tục nhập cảng

Bạn có thể hỏi: phải chuẩn bị giấy tờ gì? thủ tục làm ở đâu? thủ tục nào làm trước, làm sau?
Vừa đến cảng, công việc đầu tiên của tàu là hoàn thành thủ tục nhập cảng. Thủ tục chưa xong, tàu không thể làm bất kì công việc gì. “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Tùy theo qui định của từng cảng, thủ tục có thể tiến hành trên tàu bạn, trên cảng. Hoặc đôi khi đại lí tàu sẽ thay bạn hoàn tất mọi thủ tục. Song, dù thủ tục làm ở đâu, thủ tục nhập cảng phải bảo đảm đúng qui định, trang trọng và nghiêm túc.
Thủ tục kiểm dịch sẽ làm ngay sau khi tàu đến cảng. Và khi tàu không có dấu hiệu dịch bệnh thì các thủ tục khác mới tiếp tục tiến hành. Các thủ tục cụ thể là:
1) Thủ tục Kiểm dịch: là thủ tục kiểm tra xác định tàu có đủ điều kiện vệ sinh để cho phép cập bờ hay không. Cán bộ kiểm dịch (QuarantineOfficer) sẽ kiểm tra các giấy tờ sau:
* Tờ khai tàu đến (mẫu của cảng)
* Danh sách thuyền viên (Crew List) và danh sách hành khách (Passenger List) (nếu có)
* Sổ tiêm chủng của thuyền viên và hành khách (Vaccination certificate)
* Giấy chứng nhận diệt chuột hay miễn diệt chuột (Deratting exemption certificate)
* Bản lược khai hàng hóa (Cargo manifest)
* Bản kê khai độc dược (Narcotics Declaration)
Cán bộ kiểm dịch có thể kiểm tra tàu, mục tiêu xem xét là côn trùng đối tượng trong hàng hóa, chuột và phân chuột, mẫu nước ngọt, thực phẩm trên tàu, các động vật mang theo tàu (nếu có)
2) Thủ tục Công an: nhằm kiểm tra sự di chuyển thuyền viên có đúng đối tượng hay không (Immigration). Các giấy tờ bao gồm:
* Tờ khai tàu đến (mẫu của cảng)
* Danh sách thuyền viên (Crew List) và hành khách (Psssenger List)
* Tờ khai vũ khí,đạn dược (Arms &ammunation declaration)
* Hộ chiếu thuyền viên (Crew Passport)
* Giấy xin phép đi bờ (Application for crew’s shore pass
3) Thủ tục Hải quan: là làm rõ tàu chở hàng gì? có loại hàng hóa cấm nhập không ? tài sản của tàu gồm những gì? Và tư trang thuyền viên?. Các giấy tờ cần có là:
* Tờ khai tàu đến (mẫu của cảng)
* Vận tải đơn (Bill of Lading) và bản lược khai hàng hóa (Cargo Manifest)
* Danh sách thuyền viên (Crew List) và hành khách (Passenger List)
* Tờ khai tài sản tàu (Ship’s properties Declaration) (chủ yếu là T.V, Tủ lạnh, Radio…)
* Tờ khai tư trang thuyền viên và hành khách (Crew/Passenger’s effects Declation) ( chủ yếu là tiền bạc, trang sức..)
* Danh sách các cảng đã ghé trong thời gian gần đây (List of port of call)
4) Thủ tục Cảng vụ: Cảng vị thiên về an toàn. Họ muốn xác định trang thiết bị và con người bố trí trên tàu có phù hợp với qui định quốc tế hiện hành không. Các giấy tờ bao gồm:
* Tờ khai tàu đến (mẫu của cảng)
* Giấy phép rời cảng (Last Port Clearance) của cảng vừa qua
* Danh sách thuyền viên (Crew List) và hành khách (Passenger)
* Bằng cấp, chưng chỉ của thuyền viên theo qui định STCW (Crew Certificates)
* Các chứng chỉ an toàn hoạt động tàu (Ship’s trading Certificates). Bao gồm:
* Giấy đăng kí tàu (Ship’s Registry Certificate)
* Giấy chứng nhận dung tích tàu (Ship’s Tonnage Certificate)
* Giấy chứng nhận an toàn trang thiết bị trên tàu (Safety Equipments Certificate)
* Giấy chứng nhận ngăn ngừa ô nhiễm (Pollution Prevention Certificate)
* Giấy chứng nhận an toàn mạn khô (Load Line Certificate)
* Giấy chứng nhận an toàn thông tin liên lạc (Safety Radio Certificate)

Những điều Sĩ quan Vận hành Boong (Phó 2, Phó 3) cần biết

1. Lĩnh vực Thuyền viên
(1) Thủ tục bàn giao chức danh: khi nhận bàn giao chức danh trên tàu ta sẽ bàn giao cái gì? Những việc cụ thể khi bàn giao chức danh phó 3; phó 2?
(2) Làm quen trên tàu: cần phải làm quen những gì trên một tàu mới? Nêu rõ những việc cần làm quen liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ? Những việc cần làm quen liên quan đến an toàn và ngăn ngừa ô nhiễm?
(3) Nội qui trên tàu: cho biết thông lệ hàng hải về quản lí giấc làm việc, ăn, nghỉ và đi lại trên tàu của thuyền viên? Vai trò trách nhiệm của Thuyền trưởng. Vai trò trách nhiệm của trưởng bộ phận Boong-Máy (Máy trưởng, Đại phó). Vai trò, trách nhiệm của các Sĩ quan đối với thuyền viên cấp dưới ra sao?
2. Lĩnh vực Hành hải
(1) Tu chỉnh buồng lái
- Buồng lái cần có những máy móc và thiết bị hàng hải gì?
- Buồng lái cần có những tài liệu, hải đồ và ấn phẩm hàng hải gì?
- Buồng lái cần có những nhật kí và các sổ ghi chép gì?
- Buồng lái cần có những hướng dẫn, chỉ dần, lưu ý an toàn gì?
(2) Sử dụng trang thiết bị buồng lái
- Cách sử dụng rada và ARPA
- Cách sử dụng máy lái (STEERINGEAR)
- Cách sử dụng máy đo sâu (ECHOSOUNDER)
- Cách sử dụng tốc độ kế (SPEEDLOG)
- Cách sử dụng máy định vị (GPS),
- Cách sử dụng máy ghi thời tiết (FACIMILE),
- Cách sử dụng máy thông tin an toàn hàng hải (NAVTEX),
- Cách sử dụng máy liên lạc VHF,
- Cách sử dụng máy thông tin, liên lạc vệ tinh (INMARSAT),
- Cách sử dụng sextant,
- Cách sử dụng biểu xích,
- Cách sử dụng tay chuông…
- Cách sử dụng máy cảnh báo an ninh,
- Cách sử dụng máy nhận dạng (AIS),
- Cách sử dụng còi sương mù,
- Cách sử dụng âm hiệu, cờ hiệu, tín hiệu và bóng hiệu trên tàu,
- Cách sử dụng máy báo cháy,
- Cách sử dụng EPIRB, RADARSPONDER, TWOWAY RADIO
- Cách sử dụng súng bắn dây,
- Cách sử dụng ẩm kế, áp kế, máy đo gió…
- Cách sử dụng pháo hiệu…
(3) Quản lí và tu chỉnh thiết bị buồng lái
- Cách quản lí, sắp xếp và tu chỉnh hải đồ ?
- Cách quản lí, sắp xếp và tu chỉnh ấn phẩm hàng hải ?
- Cách theo dõi và xác định sai số la bàn điện, la bàn từ?
- Cách điều chỉnh đồng bộ la bàn chính với các la bàn phản ảnh?
- Cách tìm sai số thời kế?
- Cách thử độ nhạy máy lái tự động trong cảng?
- Cách thử độ nhạy và sự đồng bộ của góc bẻ lái?
- Cách thử hoạt động hệ thống cảnh báo khẩn cấp của VHF (DSC)
- Cách thử hoạt động hệ thống đèn hành trình?
- Cách thử hoạt động máy báo cháy
(4) Chuẩn bị tàu đi
- Cách lựa chọn hải đồ và ấn phẩm hàng hải cho chuyến đi?
- Cách chọn tuyến đường, điểm chuyển hướng và kẻ đường đi trên hải đồ ?
- Cách lập kế hoạch chuyến đi và tính toán thời gian chuyến đi?
- Các bước chuẩn bị máy và buồng lái để tàu khởi hành?
- Chuẩn bị các giấy tờ thủ tục cho tàu rời cảng?
- Cách tính thuỷ triều lúc tàu rời cảng? bằng lịch thuỷ triều? bằng chiều cao nước lớn, nước ròng trong ngày?
- Cách tìm thông tin an toàn hàng hải và khí tượng thuỷ văn trước chuyếnđi?
- Biết lượng nhiên liệu, nước ngọt, hàng hoá trên tàu, hãy chọn mớn nước lớn nhất phù hợp khi tàu khởi hành và khi tàu vào cảng tới ?
(5) Chuẩn bị tàu đến
- Dựa vào các số liệu tiêu thụ dầu nước trên hành trình, tính toán mớn nước mũi-lái khi tàu đến cảng ?
- Tính thuỷ triều khi tàu đến cảng. Cách tính chiều cao thủy triều ở cảng phụ? Tính thời điểm cập cầu tốt nhất trong ngày?
- Tìm kiếm các thông tin liên quan đến qui định của cảng như: vị trí hoa tiêu, giới hạn cảng, độ sâu luồng lạch, các kênh liên lạc, các yêu cầu về thủ tục nhập cảng.. ?
- Chuẩn bị các giấy tờ liên quan đến thủ tục vào cảng?
- Khi đón hoa tiêu, cần chuẩn bị những gì (ban ngày, ban đêm)?
- Phân biệt hệ thống phao tiêu, màu sắc các loại phao, dấu hiệu ban ngày, ban đêm và ý nghĩa chỉ dẫn của chúng?
(6) Trực ca tàu hành trình
- Cần biết những thông tin gì trước khi nhận ca?
- Cần kiểm tra những gì ngay sau khi nhận ca?
- Công việc thường làm trong ca hành trình trên buồng lái là gì?
- Trong ca nên thường xuyên kiểm tra cái gì ?
- Khi nào thì phải tăng cường cảnh giới? Muốn tăng cường cảnh giới thì phải làm những gì?
- Cách xác định vị trí tàu bằng phương vị, khoảng cách rada, GPS… và các kí hiệu thường dùng tương ứng để biểu thị vị trí đó trên hải đồ ra sao?
- Vị trí GPS trên hải đồ Mecato, có cần phải hiệu chỉnh sai số không?
- Biết sai số la bàn, hướng đi thật, tìm hướng đi la bàn lái ra sao?
- Khi tàu bị lệch xa khỏi đường đi thì làm thế nào?
- Làm thế nào để biết góc dạt do gió nước gây nên và cách khử độ dạt?
- Mỗi khi cần đổi hướng đi của tàu. ta phải làm gì?
- Cách tránh một tàu trên biển ? (tàu chạy đối hướng, chạy từ trái sang phải, chay từ phải sang trái). Góc bẻ lái khi tránh là khoảng bao nhiêu độ?
- Muốn vựợt một tàu khác trong luồng thì làm thé nào?
- Làm thế nào để biết có nguy cơ va chạm? và khi nghi ngại có nguy cơ va chạm thì làm ra sao?
- Khi muốn dùng máy chính thì làm thế nào? trường hợp không khẩn cấp? trường hợp khẩn cấp?
- Khi nào thì phải gọi Thuyền trưởng?
- Cần ghi những gì trong nhật kí Boong? cách ghi chép ra sao? Mấy giờ thì ghi một lần? Nội dung bắt buộc phải ghi lúc nhận ca và giao ca là gì?
- Muốn gửi một bức điện từ tàu vào bờ thì làm thế nào? Muốn liên hệ với một tàu đang chạy trên biển thì làm ra sao?
- Cách thu thập các thông tin an toàn hàng hải và thời tiết trong ca ?
- Làm những gì khi tầm nhìn xa bị hạn chế?
- Làm những gì khi tàu mất chủ động?
- Làm những gì khi nghi ngại về sự điều động thiếu an toàn của tàu khác?
- Làm những gì khi tàu hành hải vào vùng mật độ tàu cao?
- Làm những gì khi tàu hành hải vào khu vực luồng hẹp?
- Khi có Hoa tiêu, Thuyền trưởng trên buồng lái thì Sĩ quan sẽ làm những gì?
- Những nhật kí (logbook) và sổ theo dõi (recordbook) gì thường dùng trong ca là gì?
- Những gì cần theo dõi và đo đạc hàng ngày trên biển?
- Cách đổi múi giờ và đổi ngày trên biển ra sao?
- Khi người nhận ca có vẻ không đủ năng lực nhận ca thì làm thế nào?
- Cần thông báo những gì cho ca sau?
- Trước khi cho thủy thủ trực ca rời buồng lái, có cần yêu cầu thủy thủ đi kiểm tra an toàn quanh tàu không?
(7) Trực ca trong cảng
a) Những chú ý về an toàn
- Chú ý về an toàn cháy, nổ là chú ý những gì, chú ý ở đâu và lúc nào trên tàu?
- Khi có người đang làm việc trên cao, hàn cắt, làm việc dưới hầm sâu, ngoài mạn tàu hay tàu đang nhận chuyền dầu, thì cần nhắc nhở họ điều gì?
- Cần chú ý duy trì tình trạng dây buộc tàu trong cầu ra sao?
- Một cầu thang lên xuống tàu an toàn thì phải thế nào? Ban ngày, ban đêm?
- Cho biết vị trí người trực ca trong cảng ? những việc mà người trực ca cần làm là gì?
- Người trực ca có cần thường xuyên đi vòng quanh tàu không?

b) Những chú ý về an ninh
- Cho biết những vị trí mà người lạ có thể đột nhập lên tàu từ bên ngoài mạn tàu?
- Cho biết cách kiểm tra người lạ lên, xuống tàu ra sao?
- Khi có một phương tiện hay một người tiếp cận trái phép thì làm thế nào ?
- Cần yêu cầu có cam kết an ninh trong trường hợp nào?
- Khi tiếp nhận hàng hóa, hành lí, vật tư , thực phẩm…từ trên bờ lên tàu trong trường hợp an ninh cấp độ cao thì cần chú ý cái gì?
c) Những chú ý về ô nhiễm
- Tàu thường gây ô nhiễm gì khi nằm trong cảng?
- Cách xử lí dầu thải, rác thải, nước thải khi tàu nằm trong cầu?
(8) Trực ca tàu neo
- Khi trực ca neo thì sĩ quan ở đâu và sẽ làm những gì trong ca?
- Những chú ý gì khi trực ca neo? Vào ban ngày và ban đêm?
- Khi nào thì dễ làm tàu trôi neo?
- Làm thế nào để phát hiện tàu bị trôi neo?
- Khi tàu trôi neo thì có dấu hiệu, hiện tượng gì?
- Khi thấy tàu khác tiếp cận tàu mình đang neo quá gần thì phải làm sao?
(9) Trực ca tàu làm hàng
- Những thông tin cần biết trước khi nhận ca làm hàng?
- Những chú ý an toàn gì khi tàu đang làm hàng?
- Kiểm soát tên hàng, khối lượng và chất lượng hàng xuống tàu trong ca như thế nào?
- Khi phát hiện hàng xuống tàu không đúng kế hoạch, không going trong sơ đồ xếp hàng hay khi phát hiện hàng bị hư hỏng, đổ vỡ… thì làm thế nào?
- Có cách nào nắm được số lượng hàng xuống tàu trong ca của mình không?
- Những ai trên bờ liên quan đến việc xếp – dỡ hàng trên tàu? trách nhiệm của họ ra sao?
- Các giấy tờ hàng hóa liên quan đến việc xếp - dỡ hàng trong ca gồm những gì?
(10) Làm dây ra vào bến
Tại buồng lái
- Cách truyền lệnh của Thuyền trưởng?
- Những lệnh gì Thuyền trưởng thường đưa ra khi điều động tàu ra vào cầu
- Cách ghi sổ tay chuông? Các lệnh thường dùng để điều động máy?
- Khi lệnh Thuyền trưởng và Hoa tiêu khác nhau, thì thực hiện lệnh của ai?
- Trước khi làm dây, Buồng lái cần kiểm tra, nhắc nhở người phụ trách làm dây tại Mũi và Lái những gì?
- Sau khi làm dây, Buồng lái cần nhắc nhở Sĩ quan làm dây ở Mũi và Lái những gì?
Tại vị trí làm dây
- Những công việc cần chuẩn bị ngay sau khi ra vị trí làm dây?
- Cách báo cáo và trả lời lệnh của buồng lái khi làm dây?
- Những gì cần phải báo cáo thường xuyên cho buồng lái biết?
- Nên chuẩn bị sẵn sàng những dây nào để đưa lên bờ?
- Khi không có lệnh buồng lái thì nên đưa dây nào lên bờ trước?
- Khi nào thì được phép rời vị trí làm dây?
- Chỉ ra những tai nạn hay sự cố khi làm dây và biện pháp phòng tránh?
3. Lĩnh vực An toàn và Ô nhiễm
(1) Quản lí các trang bị cứu sinh trên tàu
- Nêu tên các dụng cụ và thiết bị cứu sinh trên tàu?
- Làm sao để biết số lượng các dụng cụ, thiết bị cứu sinh đang lắp đặt trên tàu là phù hợp với qui định của SOLAS đang trang bị cho tàu đó?
- Làm thế nào để phân biệt thiết bị cứu sinh trên tàu đang ở trạng thái hoạt động tốt?
- Các dụng cụ, thiết bị cứu sinh có cần có hướng dẫn sử dụng kèm theo không?
- Cho biết qui định SOLAS về kiểm tra các thiết bị cứu sinh hàng tuần, hàng tháng, hàng năm và năm năm…
- Tài liệu hướng dẫn sử dụng thiết bị cứu sinh trên tàu phải viết bằng ngôn ngữ gì? Tài liệu đó phải để ở đâu trên tàu?
- Yêu cầu ghi chép nhật kí và sổ theo dõi bảo dưỡng liên quan đến thiết bị cứu sinh như thế nào?
(2) Quản lí các trang bị cứu hoả trên tàu
- Nêu tên các dụng cụ vàthiết bị cứu hỏa trên tàu?
- Làm sao để biết số lượng các dụng cụ, thiết bị cứu hỏa đang lắp đặt trên tàu là phù hợp với qui định của SOLAS đang trang bị cho tàu đó?
- Làm thế nào để phân biệt thiết bị cứu hỏa trên tàu đang ở trạng thái hoạt động tốt?
- Các dụng cụ, thiết bị cứu hỏa có cần có hướng dẫn sử dụng kèm theo không?
- Cho biết qui định về kiểm tra các thiết bị cứu hỏa hàng tuần, hàng tháng, hàng năm và năm năm. mười năm, …
- Tài liệu hướng dẫn sử dụng thiết bị cứu hỏa trên tàu bằng ngôn ngữ gì? Tài liệu đó phải để ở đâu trên tàu?
- Yêu cầu ghi chép nhật kí và sổ theo dõi bảo dưỡng liên quan đến thiết bị cứu hỏa ra sao?
(3) Quản lí các trang bị ngăn ngừa ô nhiễm trên tàu
- Nêu tên các thiết bị và dụng cụ trên tàu dùng để ngăn ngừa ô nhiễm?
- Muốn ngăn ngừa ô nhiễm rác thải phải làm thế nào?
- Muốn ngăn ngừa ô nhiễm dầu phải làm thế nào?
- Muốn ngăn ngừa ô nhiễm nước thải phải làm thế nào?
- Muốn ngăn ngừa ô nhiễm khí thải phải làm thế nào?
- Yêu cầu ghi chép nhật kí, sổ theo dõi liên quan đến ngăn ngừa ô nhiễm ra sao?
(4) Sử dụng các trang bị cứu sinh
- Cách sử dụng pháo hiệu?
- Cách sử dụng súng bắn dây?
- Cách sử dụng phao tự động cứu người rơi xuống biển?
- Cách sử dụng và thử thiết bị phát đáp ra-đa?
- Cách sử dụng và thử phao định vị khẩn cấp?
- Cách sử dụng thiết bị liên lạc xuồng cứu sinh?
- Cách hạ phao bè?
- Cách hạ xuồng cứu sinh?
- Cách mặt áo phao cá nhân?
- Cách mặt áo chống thấm, chống lạnh?
- Cách thử hoạt động máy và lái xuồng cứu sinh?
(5) Sử dụng các trang thiết bị cứu hoả
- Cách sử dụng và thử hoạt động chuông báo động cứu hỏa trên buồng lái?
- Cách thử các nút báo động cứu hỏa ở hành lang?
- Cách sử dụng và thử hoạt động máy báo cháy?
- Sử dụng thiết bị , dụng cụ chữa cháy (áo chống cháy, bình thở)?
- Cách thử các nút ngắt sự cố (điện, dầu, gió) khẩn cấp trên tàu?
- Cách dùng rồng cứu hỏa để chữa cháy?
- Cách sử dụng bình chữa cháy xách tay các loại?
- Cách sử dụng trạm chữa cháy cố định các loại?
(6) Sử dụng các trang bị ngăn ngừa ô nhiễm
- Cách thu gom rác thải, dầu thải, nước thải ?
- Cách dùng hóa chất để xử lí khi có váng dầu quanh tàu?
- Cách sử dụng các thiết bị để đề phòng dầu tràn?
4. Lĩnh vực Bảo dưỡng
(1) Dựa vào đâu để thực hiện công việc bảo dưỡng trên tàu?
(2) Thực hiện công việc bảo dưỡng và báo cáo ra sao?
(3) Cách lập sổ bảo quản thiết bị cứu sinh, cứu hỏa?
(4) Các thiết bị, dụng cụ cứu sinh, cứu hỏa, ngăn ngừa ô nhiễm trên tàu phải bảo dưỡng định kì trên tàu và trên bờ như thế nào ?
(5) Cách bảo dưỡng, kiểm tra các máy móc, thiết bị trên buồng lái ?
(6) Cách kiểm tra chất lượng các bình cứu hỏa xách tay trên tàu?
(7) Cách kiểm tra chất lượng các trạm cứu hỏa cố định trên tàu?
(8) Trạm dụng cụ cứu hóa (FIREMAN OUTFIT) trên tàu gồm có những thứ gì? Có bao nhiêu trạm?. Và quản lí ra sao?
(9) Cách kiểm tra chất lượng các bình khí nén trên tàu?
(10) Trên xuồng cứu sinh có thiết bị, dụng cụ gì? Bảo quản chúng ra sao?
(11) Cách tu chỉnh xuồng cứu sinh, phao bè, phao tròn, áo phao cá nhân…để phục vụ công việc kiểm tra hàng năm của Đăng kiểm?
5. Lĩnh vực Vật tư
(1) Buồng lái cần có những vật tư, dự trữ gì?
(2) Buồng lái, xuồng cứu sinh, phao bè… có những vật tư nào có hạn sử dụng? việc kiểm tra thay thế ra sao?
(3) Dựa vào đâu để biết lượng vật tư, phụ tùng đó là lượng yêu cầu tối thiểu phải dự trữ trên tàu?
(4) Cách đặt vật tư, phụ tùng ra sao?
6. Lĩnh vực hàng hoá
(1) Cho biết lượng nhiên liệu, nước ngọt, hàng hóa trước hành trình. Hãy tính hiệu số mớn nước mũi lái khi tàu rời bến?
(2) Cách hiệu chỉnh hiệu số mớn nước mũi lái theo yêu cầu?
(3) Cách tính chiều cao thế vững?
(4) Cách hiệu chỉnh chiều cao thế vững do mặt thoáng các két gây nên?
(5) Giám định mớn nước, tính toán lượng hàng hóa trên tàu và hằng số của tàu (constant) ra sao?
(6) Cho biết tập quán giao nhận hàng hóa trên tàu?
(7) Công việc bảo quản hàng hoá khi tàu đang chạy trên biển thế nào?
7. Luật hàng hải
(1) Nêu những công việc cụ thể thuyền viên đang làm trên tàu liên quan đến yêu cầu áp dụng SOLAS
(2) Nêu những công việc cụ thể thuyền viên đang làm trên tàu liên quan đến yêu cầu áp dụng MARPOL
(3) Nêu những công việc cụ thể thuyền viên đang làm trên tàu liên quan đến yêu cầu áp dụng STCW
(4) Nêu những công việc cụ thể thuyền viên đang làm trên tàu liên quan đến yêu cầu áp dụng LOADLINE
(5) Nêu những công việc cụ thể thuyền viên đang làm trên tàu liên quan đến yêu cầu áp dụng ISM CODE
(6) Nêu những công việc cụ thể thuyền viên đang làm trên tàu liên quan đến yêu cầu áp dụng ISPS
8. Đăng kiểm
(1) Đăng kiểm kiểm tra và cấp các giấy chứng nhận gì trên tàu?
(2) Cho biết qui định về định kì kiểm tra cấp tàu của đăng kiểm?
(3) Cho biết qui định về kiểm tra và cấp các giấy chứng nhận của đăng kiểm?
9. Hệ thống an toàn và an ninh
(1) Hệ thống quản lí an toàn trên tàu dùng để làm gì ?
(2) Việc tìm hiểu và thực hiện hệ thống quản lí an toàn ra sao?
(3) Hệ thống quản lí an ninh trên tàu dùng để làm gì ?
(4) Việc tìm hiểu và thực hiện hệ thống an ninh trên tàu ra sao?
10. Ứng phó sự cố khẩn cấp
(1) Các sự cố khẩn cấp thường gặp trên tàu là gì?
(2) Khi có sự cố khẩn cấp xảy ra trên tàu thì làm thế nào?
(3) Nhiệm vụ của thuyền viên khi khẩn cấp xảy ra được qui định ở đâu?
(4) Thực tập ứng phó khẩn cấp trên tàu được tiến hành khi nào, gồm những gì? Các bước thực hiện ra sao?
(5) Khi phát hiện có tín hiệu khẩn cấp từ tàu khác trên biển, thì làm thế nào?
(6) Khi khẩn cấp xảy ra, cần có sự hỗ trợ từ bên ngoài, thì phải phát đi những tín hiệu gì?
(7) Cách gửi một bức điện khẩn cấp qua INMARSAT?
(8) Cách gửi một bức điện cảnh báo an ninh?

Viết nhât kí hàng hải ra sao

Mỗi lần kiểm tra tàu, Chính quyền Cảng lại yêu cầu xuất trình “Nhật kí hàng hải-Deck Logbook”. Mỗi lần giải quyết tranh chấp về các tai nạn hay rủi ro liên quan đến tàu, người ta lại yêu cầu xuất trình “Nhật kí hàng hải”.
Vậy Chính quyền cảng hay các Tổ chức quản lí định tìm những gì trong “Nhật kí Hàng hải?
Họ muốn biết Thuyền trưởng và thuyền viên trên tàu có “thật sự mẫn cán” trong quản lí an toàn hoạt động tàu và ngăn ngừa ô nhiễm hay không.
Họ còn muốn biết rằng, những tai nạn hay sự cố tổn thất vừa xảy ra, có thật là những rủi ro “vượt ngoài năng lực quản lí” của Thuyền trưởng và thuyền viên hay không.
Họ còn muốn biết rằng, những ứng phó của Thuyền trưởng và thuyền viên trên tàu về tai nạn, rủi ro, có phải là những ứng phó theo “bản năng của người hàng hải” hay không.
Quan trọng là vậy, nhưng không ít Thuyền trưởng hay Sĩ quan Boong cọi nhẹ việc viết nhật kí hàng hải. Họ đã từ bỏ quyền tự bảo vệ mình khi cần thiết. Mỗi khi cần lược trích nội dung nhật kí hàng hải, họ lại cảm thấy bị hẫng hụt vì nội dung họ đã viết, chưa toát lên được yêu cầu quản lí an toàn hoạt động tàu.
Vậy Nội dung nhật kí hàng hải bao gồm những gì?
1) là những liệt kê sự việc liên quan đến hoạt động tàu
Nhật kí hàng hải phải thể hiện mọi hoạt động chính trên tàu. Chỉ rõ tàu đang ở đâu. Lúc nào. Và đang có những hoạt động chính gì.
2) là sự diễn tả về việc bảo đảm an toàn hoạt động tàu và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, bao gồm:
- Các hoạt động liên quan đến kiểm tra, thử hoạt động, bảo quản trang thiết bị thông tin, liên lạc, cứu sinh, cứu hoả, ngăn ngừa ô nhiễm…
- Các hoạt động liên quan đến việc thực tập, diễn tập, huấn luyện an toàn về cứu sinh, cứu hoả, ngăn ngừa ô nhiễm…
- Các hoạt động về việc chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó sự cố như tăng cường cảnh giới, bật thêm ra-đa, thông báo thuyền trưởng, báo buồng máy sẵn sàng điều động, bật còi sương mù…
- Các hoạt động kiểm tra an toàn khi làm việc dưới hầm sâu, hàn cắt phát nhiệt, nhận và chuyền dầu, kiểm tra an toàn trước khi tàu rời cảng và đến cảng, kiểm tra an toàn hàng ngày khi tàu trên biển…
- Sự đe doạ an toàn hoạt động tàu và hàng hoá như tình trạng thời tiết, tầm nhìn xa, dòng chảy, mật độ tàu trên biển…
3) Nội dung cuốn nhật kí hàng hải phải thể hiện “thói quen quản lí an toàn”
Một khi xem xét nhật kí của bạn, người ta không chỉ dựa vào nội dung bạn diễn tả khi tai nạn xảy ra. Người ta còn xem nội dung cuốn nhật kí có toát ra “thói quen ứng xử của người hàng hải” về bảo đảm an toàn và phòng ngừa tai nạn hay không. Hay nói cách khác, “hành động ứng xử an toàn” của bạn, có thể hiện ở mọi ca kíp, trong suốt mọi hành trình hay không.
Người ta không đặt nhiều niềm tin vào những gì bạn đang báo cáo; người ta cũng không hoàn toàn tin vào những ngôn từ mà bạn đang “chau chuốt”. Cái người ta cần tìm là: “thói quen quản lí an toàn hoạt động tàu”.
Xem qua nội dung cuốn nhật kí hàng hải, người ta có thể đánh giá năng lực của Thuyền trưởng và Sĩ quan Boong về ý thức quản lí an toàn hoạt động tàu.

register-ship-box-img
Gọi ngay: 0962.366.229
SMS: 0962.366.229 Chat Zalo