Đề xuất ưu đãi giá dịch vụ cảng biển, cắt giảm TTHC hỗ trợ doanh nghiệp
Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) vừa báo cáo Bộ GTVT về việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch COVID-19.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, các hãng tàu bỏ qua tuyến Trung Quốc dẫn đến sự giảm sút về hàng hóa từ 15-20%. Số lượng lượt tàu giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm 2019 đối với một số khu vực có lượng tàu hoạt động thường xuyên như Quảng Ninh - Trung Quốc.
Cùng với đó, hiện nay, tại một số nơi chưa có khu vực cách ly riêng trên bờ tại cảng, nên công tác theo dõi, cách ly đối với các thuyền viên đi qua vùng dịch đến Việt Nam gặp nhiều khó khăn, do vậy làm tăng chi phí neo đậu tàu thuyền trong quá trình theo dõi theo quy định.
Trong bối cảnh doanh nghiệp chịu nhiều tổn thất do hoạt động sản xuất, vận tải bị ngưng trệ, Cục Hàng hải Việt Nam đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét, có cơ chế ưu đãi về giá dịch vụ tại cảng biển.
Ưu đãi giá dịch vụ
Theo quy định tại Thông tư số 54/2018 của Bộ GTVT ban hành khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam, các doanh nghiệp được quyết định mức giá nằm trong khung giá quy định. Điều này dẫn đến một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ muốn giảm giá để chia sẻ khó khăn cho hãng tàu nhưng không được phép giảm dưới mức giá dịch vụ tối thiểu.
Để giải quyết vấn đề này, Cục Hàng hải kiến nghị Bộ GTVT cho phép doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ được phép áp dụng mức giá thấp hơn 30% so với mức giá dịch vụ tối thiểu quy định tại Thông tư số 54/2018 trong thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh.
Đồng thời, tạm thời chưa xem xét điều chỉnh tăng một số giá dịch vụ hàng hải, điều chỉnh giảm giá dịch vụ hoa tiêu hàng hải đối với tàu hoạt động tuyến quốc tế và giá dịch vụ lai dắt tại cảng biển.
Cơ quan này cũng đề xuất Bộ GTVT có chính sách giảm phí neo đậu trong thời gian chờ tàu để thực hiện kiểm dịch, cách ly theo dõi dịch bệnh; tiếp tục áp dụng mức thu phí, lệ phí hàng hải bằng 60% đối với các tàu thuyền tổng dung tích từ 50.000 GT trở lên vào, rời các bến cảng trên sông Cái Mép - Thị Vải sau thời gian 1/1/2021 thay vì chỉ đến hết ngày 1/1/2021.
Cắt giảm thủ tục hành chính
Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT xem xét, cắt giảm thủ tục “chấp thuận tiến hành tháo bỏ niêm phong hoặc việc bơm thải các chất thải, nước bẩn qua những van hoặc thiết bị của tàu”. Nguyên nhân cắt giảm vì hoạt động này chỉ cần người làm thủ tục thông báo bằng văn bản cho cảng vụ trước khoảng thời gian nhất định để phục vụ công tác quản lý nhà nước tại cảng biển.
Đề xuất cắt giảm thành phần hồ sơ đối với các thủ tục tàu biển hoạt động tuyến nội địa có chở hàng nhập khẩu, hàng quá cảnh hoặc có hành khách hoặc thuyền viên mang quốc tịch nước ngoài vào, rời cảng bởi thủ tục này thực tế không có sự tham gia chia sẻ thông tin với cơ quan hải quan. Việc quản lý hàng hóa chuyển cảng trên phương tiện vận tải đã được cơ quan hải quan kiểm soát thông qua hệ thống nghiệp vụ riêng của hải quan.
Đối với thủ tục cho phương tiện thủy nội địa rời cảng biển, Cục Hàng hải kiến nghị Bộ GTVT bỏ bớt điều kiện “không bốc, dỡ hàng hóa, không đón, trả hành khách” trong trường hợp phương tiện thủy nội địa vào cảng biển và lưu lại trong khoảng thời gian không quá 72 giờ. Bởi, thực tế không có trường hợp nào đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
Cơ quan này cũng kiến nghị Bộ GTVT xem xét, đơn giản hóa thủ tục phê duyệt phương án bảo đảm an toàn hàng hải.
Bởi, hiện nay, khi thực hiện hoạt động thi công nạo vét trong vùng nước cảng biển, chủ đầu tư hoặc đại diện chủ đầu tư phải lập 2 phương án bảo đảm an toàn hàng hải và phương án bảo đảm an toàn giao thông. Vì nội dung phương án và hồ sơ đề nghị phê duyệt 2 phương án tương đối giống nhau, Cục đã nghiên cứu, đề xuất cần bổ sung quy định loại trừ trường hợp không phải lập phương án bảo đảm an toàn hàng hải trong trường hợp thực hiện hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển.
Tiếp cận gói tín dụng 250 nghìn tỷ
Liên quan đến chính sách về tài chính, Cục Hàng hải đề xuất Bộ GTVT tiếp tục kiến nghị với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cho phép doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng hải được tiếp cận nguồn tài chính tại gói tín dụng 250 nghìn tỷ với lãi suất thấp hơn thị trường nhằm khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh; xem xét bổ sung doanh nghiệp vận tải biển vào trong danh mục doanh nghiệp vừa và nhỏ được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất là 10% trong 15 năm.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải nội địa trong giai đoạn khó khăn, kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất miễn giảm thuế GTGT đối với vận tải nội địa trong thời gian 3 năm và nghiên cứu miễn thuế nhập khẩu các loại vật tư, phụ tùng, trang thiết bị để sửa chữa tàu biển mà Việt Nam chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng chưa được các tổ chức hàng hải quốc tế có thẩm quyền công nhận phù hợp.
Hiện, theo quy định tại Thông tư số 219/2013 của Bộ Tài chính quy định, vận tải quốc tế được áp dụng mức thuế GTGT 0%, trong khi vận tải nội địa vẫn đang áp dụng mức thuế GTGT 10%.